Xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Tuấn Anh |
Theo số liệu thống kê, lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu
liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời
điểm lên tới 6.000 tấn. Điều đáng nói, quy trình xử lý rác hiện nay vẫn
là biện pháp chôn lấp. Trong đó, 95% rác thải được chôn lấp ở các bãi
chứa thải đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Đặc biệt,
việc phân loại từ nguồn rác thải ban đầu không được chú trọng nên rất
khó khăn trong khâu xử lý.
Tại Hội thảo quốc tế “Vấn đề rác thải, các tác nhân, không gian
hoạt động phi chính thức tại các siêu đô thị mới nổi” đang diễn ra tại
Hà Nội, nhiều chuyên gia quốc tế đã đưa ra kinh nghiệm xử lý rác tại
nguồn, giải bài toán giảm thiếu diện tích đất chôn lấp rác thải mà Hà
Nội đang phải đối mặt. Điển hình là TP Surabaya của Indonesia. Bà Warma
Dewanthi – Viện Công nghệ Surabaya cho biết, sự phân quyền một phần
trong quản lý chất thải rắn là lựa chọn rất quan trọng để quản lý tập
trung các bãi chôn lấp chất thải rắn mà TP Surabaya đã áp dụng thành
công.
Surabaya là TP lớn thứ hai Indonesia phát sinh gần 2.000 tấn chất
thải rắn/ngày, nhưng lại thiếu đất chôn lấp. Để khắc phục, từ năm 2005,
TP Surabaya đã áp dụng một hệ thống bán phi tập trung. Chất thải rắn
được quản lý bởi chính cộng đồng với nhiều hỗ trợ từ Chính phủ. Chương
trình Xanh và Sạch do chính quyền TP khởi xướng là bước đầu tiên để thúc
đẩy người dân quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống. Sau đó, các hoạt
động quản lý chất thải rắn được nâng cấp bằng các hoạt động 3R (giảm
thiểu, tái sử dụng và tái chế) trong các hộ gia đình.
Ngoài ra, hiện nay, TP này đã thiết lập được 374 ngân hàng rác thải
tại các khu dân cư. Khách hàng mang rác thải có giá trị tới các ngân
hàng nơi nó được xử lý như một khoản tiền gửi. Sau đó các ngân hàng chất
thải bán vật liệu gửi cho các cơ sở hoặc các đại lý để tái sử dụng hoặc
tái chế. Nhờ áp dụng các giải pháp này mà đến nay TP Surabaya giảm được
18% chất thải rắn.
Kết quả khảo sát trong hai năm 2016 – 2017 của Đại học Kiến trúc Hà
Nội phối hợp với tổ chức IRD (Cộng hòa Pháp) cho thấy, tại Hà Nội có
khoảng hơn 10.000 người thu gom (đồng nát) đi trên đường phố hàng ngày
để tìm kiếm chất thải tái chế hoặc mua từ nhà dân. Sau đó, bán lại cho
những người mua rác tại 800 kho chứa chất thải rộng khắp TP.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, những người thu mua đồng nát
chính là những người tích cực tham gia vào dịch vụ vệ sinh đô thị một
cách không chính thức, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Hoạt động
của người thu mua đồng nát, các bãi phế liệu và các làng nghề tái chế đã
hình thành một hệ thống tái chế thực sự mang lại nguồn kinh tế đáng kể.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các hoạt động này chưa nằm trong
bất kỳ quy định pháp lý nào.
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, tại các TP đang phát triển như Hà Nội
thì ngoài việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thu gom và xử lý
rác thải cần phải có những sáng kiến xuất phát từ chính nền kinh tế và
văn hóa bản địa. Những bài học từ các hoạt động thu gom, tái chế rác
thải chính thức và phi chính thức tại các siêu đô thị mới nổi ở Delhi
(Ấn Độ), Surabaya (Indonesia), Cairo (Ai Cập) đều chứng minh rất rõ rằng
nếu mỗi TP có cách xử lý khôn ngoan với rác thải thì đó chính lại là
việc làm, là nguyên vật liệu của một nền kinh tế tuần hoàn.
Theo Vũ Lê – kinhtedothi